Sự kết hợp giữa các thành phần dưỡng da với nhau có thể đem lại hiệu quả tốt nhưng đôi khi cũng khiến da dễ bị kích ứng. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp, ngày càng có nhiều thành phần dưỡng da ra đời để đáp ứng nhu cầu của phái nữ.…
Sự kết hợp giữa các thành phần dưỡng da với nhau có thể đem lại hiệu quả tốt nhưng đôi khi cũng khiến da dễ bị kích ứng.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp, ngày càng có nhiều thành phần dưỡng da ra đời để đáp ứng nhu cầu của phái nữ. Mỗi thành phần đều có kết cấu và đặc tính riêng. Có những cặp đôi khi kết hợp với nhau sẽ phát huy công dụng tối đa nhưng ngược lại, có một số thành phần lại “kị” nhau. Nếu không hiểu rõ và kết hợp vô tội vạ, làn da có thể phải gánh chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong bài viết sau, mời bạn cùng Charme tìm hiểu những thành phần nên và không nên dùng chung với nhau.
Những cặp thành phần “tri kỉ”
Vitamin C và vitamin E
Có lẽ khá dễ dàng để tìm thấy 2 thành phần dưỡng da này nằm chung trong một sản phẩm làm đẹp. Bởi lẽ, cả 2 đều là những chất chống ôxy hóa khá cao, mang đến hiệu quả chống lão hóa tốt. Vitamin C và vitamin E đều là những chất khá ổn định nên không “chiến tranh” với nhau mà ngược lại còn hỗ trợ cho nhau. Vitamin C tan trong nước còn vitamin E lại tan trong dầu nên khi thẩm thấu, hai thành phần này sẽ giúp da được nuôi dưỡng một cách toàn diện hơn.\
Vitamin C và vitamin E là cặp đôi “bạn thân” khá hữu ích cho da. Ảnh: Unsplash.
AHA/BHA và Acid Hyaluronic
Acid hyaluronic vốn là một hoạt chất khá lành tính. Với khả năng làm dịu và cấp ẩm cao, loại acid này có thể khắc phục vấn đề da khô khi bạn sử dụng AHA và BHA. Mặt khác, AHA và BHA có công dụng tẩy da chết, làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp acid hyaluronic dễ dàng thẩm thấu và phát huy hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy, đây là “cặp đôi” thành phần bạn có thể sử dụng chung khi chăm sóc da.
Niacinamide và acid glycolic
Niacinamide là một dẫn xuất của vitamin B3, có khả năng tăng cường độ ẩm, cải thiện làn da lão hóa hiệu quả. Mặt khác, niacinamide còn ức chế quá trình các sắc tố da giúp da trắng dần lên trông thấy. Trong khi đó, acid glycolic có thể làm sạch lớp da chết, kích thích tái tạo da non giúp tăng cường hiệu quả thẩm thấu, làn da được nuôi dưỡng khỏe mạnh từ sâu bên trong.
Những cặp đôi “kị” nhau
Vitamin C và AHA
Vitamin C là chất chống ôxy hóa khá mạnh, thường được tìm thấy trong sản phẩm dưỡng trắng và ngăn ngừa lão hóa da. Ngoài ra, vitamin C thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, duy trì độ săn chắc cho da. AHA (Alpha Hydroxy Acids) là những acid có trong trái cây, sữa, đường và thực vật. AHA mang đặc tính trị mụn, tẩy tế bào chết và giúp tái tạo da non hiệu quả. Nhìn chung, cả 2 thành phần này đều rất tốt nhưng thực tế sự kết hợp này lại có ảnh hưởng tiêu cực đến da.
AHA có thể làm thay đổi độ pH của vitamin C, làm giảm đi đặc tính chống ôxy hóa của thành phần dưỡng da này. Ảnh: Pexels.
Theo nhiều nghiên cứu, AHA có thể làm thay đổi độ pH của vitamin C, làm giảm đi đặc tính chống ôxy hóa của thành phần dưỡng da này. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên chọn 1 trong 2 để điều trị cho da, sau đó mới tiếp tục sử dụng thành phần còn lại.
Vitamin C và Niacinamide
Niacinamide vốn là thành phần dưỡng da có công dụng làm trắng và giúp da mịn màng hơn. Môi trường cần thiết để Niacinamide hoạt động tốt là khi độ pH trung tính bằng 5. Trong khi đó, các dẫn xuất vitamin C yêu cầu độ pH nhỏ hơn 3,5 đế mang đến hiệu quả dưỡng da tối ưu. Cụ thể hơn, ở môi trường có độ pH thấp, việc kết hợp Niacinamide và vitamin C có thể tạo thành chất Niacin khiến da nổi mẩn đỏ, bị ngứa và kích ứng. Do vậy, những ai đang bị mụn không nên sử dụng 2 thành phần dưỡng da chung với nhau để tránh gây phản tác dụng.
Vitamin C và Retinol
Như đã nói, vitamin C là hoạt chất giúp da tươi sáng, tăng sinh collagen và chống lại sự phát triển của các gốc tự do. Tương tự, retinol là một dẫn xuất của vitamin A cũng giúp xóa mờ đi các dấu hiệu lão hóa và dưỡng da trắng sáng hơn. Tuy nhiên, môi trường pH của 2 thành phần dưỡng da này lại hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, vitamin C hoạt động tối ưu ở độ pH thấp hơn hoặc bằng 3,5 còn Retinol phát huy công dụng ở độ pH là 5,5-6. Do đó, sự kết hợp này không mang lại hiệu quả tốt như bạn nghĩ mà ngược lại còn khiến da trở nên nhạy cảm, dễ bị kích ứng hơn.
Ảnh: Pexels.
AHA/BHA và Retinol
Bạn có thể tìm thấy thành phần AHA dưới dạng acid glycolic, acid lactic hoặc acid citric. Trong khi đó, BHA thường ở dạng phổ biến nhất là acid salicylic. Retinol, AHA và BHA đều là những thành phần có đặc tính khá mạnh nên những cô nàng da mụn phải hết sức lưu ý khi sử dụng. Theo Tiến sĩ Da liễu Claire Chang thuộc viện Da liễu Laser Union Square, việc kết hợp 3 thành phần này khi chăm sóc da sẽ khiến da bị khô, dễ kích ứng. Tiến sĩ Claire Chang khuyến cáo chúng ta nên sử dụng ở các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc tốt hơn hết là dùng cách ngày.